Người trồng cà phê có nhiều cơ hội

Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu từ tháng 5-2013, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai chương trình “Tín dụng tái canh cây cà phê”. Đây là chương trình kinh tế-xã hội trọng điểm, nhằm giúp hàng trăm nghìn hộ nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam.

7604117620130614211530531

Lời giải cho bài toán khó

Theo thống kê của Viện Khoa học Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện trong tổng số 550.000ha cà phê trên cả nước, thì 130.000ha có tuổi từ 15 năm trở lên, đã già cỗi, thường xuyên bị sâu bệnh, cho sản lượng thấp, cần phải tái canh. UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong tổng số 145.735ha cà phê của tỉnh, hiện có 50.000ha hơn 15 năm tuổi. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắc Lắc cũng cho thấy, địa phương này có 191.050ha cà phê, nhưng gần 50% diện tích đã già cỗi, sản lượng liên tục sụt giảm, cần phải thay mới.

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, để tái canh 1ha cà phê cần số vốn khoảng 160-250 triệu đồng (tùy chủng loại giống và phương pháp tái canh). Điều này vượt quá điều kiện ngân sách các địa phương, cũng như khả năng của người dân. Đây là lý do khiến quá trình “trẻ hóa” 30% diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên bằng các loại cà phê giống mới, năng suất và chất lượng cao thời gian qua gặp nhiều khó khăn, bế tắc.

“Bài toán khó” đã được giải quyết bắt đầu từ tháng 5-2013, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng để tái canh cây cà phê giai đoạn 2013-2015. Chủ trương này cũng đã được ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định tại Hội nghị triển khai chương trình tín dụng tái canh cà phê được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tháng 5-2013. Theo đó, NHNN sẽ dành khoản tín dụng trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ chương trình tái canh cây cà phê, Agribank là đơn vị chính được chọn để triển khai chương trình.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho biết thêm, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu vốn để tái canh toàn bộ diện tích cà phê khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2013-2015. Trước mắt, NHNN sẽ tái cấp vốn khoảng 5000 tỷ đồng với lãi suất thấp, đồng thời ban hành một số cơ chế đặc thù để Agribank thực hiện.

Nhanh chóng, thuận tiện, nhiều ưu đãi

Thực hiện sự chỉ đạo của NHNN, thời gian qua, Agribank các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã khảo sát nhu cầu và chuẩn bị nguồn vốn cho vay tái canh cây cà phê. Agribank Lâm Đồng cho biết, sẽ dành gói tín dụng 3.100 tỷ đồng phục vụ nhu cầu tái canh 22.982ha cà phê già cỗi trên địa bàn tỉnh. Agribank Đắc Lắc cũng đã sẵn sàng 3000 tỷ đồng để thực hiện chương trình… Mặc dù nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng với sự hỗ trợ của NHNN và khả năng huy động, tự cân đối vốn của các ngân hàng, Agribank cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay của khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Giám đốc Agribank Lâm Đồng cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và lập 4 dự án mẫu tái canh cà phê để nông dân tham khảo, thực hiện, gồm: Tái canh cây cà phê bằng phương pháp ghép chồi; trồng mới bằng giống cà phê vối ghép; trồng mới cà phê vối bằng giống thực sinh; trồng mới giống cà phê chè. Theo tính toán của các kỹ sư thực hiện dự án, thời gian từ khi trồng mới đến thời điểm bắt đầu thu hoạch mất khoảng 3 năm, chi phí đầu tư trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng quy trình sẽ giúp năng suất cà phê đạt 3,5 – 4 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với hiện nay.

Hiện nay, khách hàng nào vay vốn phục vụ tái canh cà phê sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường khoảng 1,5%. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ đưa ra cách tính linh hoạt trong bảo đảm tiền vay. Ngoài những hộ vay đến 50 triệu đồng, không cần phải thế chấp tài sản theo Nghị định 41 của Chính phủ, thì những hộ vay số vốn lớn và đã đem hết tài sản để thế chấp nhưng vẫn chưa đủ thì sẽ được tính thêm cả giá trị cây trồng trên đất, giá trị vườn cây hình thành từ vốn vay ngân hàng. Nếu vẫn còn thiếu thì ngân hàng sẽ cho vay một phần không có tài sản đảm bảo. Thời gian vay tối đa là 7 năm, 3 năm đầu được ân hạn không phải trả gốc, 4 năm tiếp theo mới trả gốc và lãi. Thông thường, khách hàng trả nợ trước hạn thì ngân hàng được phép thu phí, nhưng đối với chương trình này, ngân hàng sẽ không thu phí. Thời gian từ khi nhận hồ sơ và giải quyết cho vay cũng sẽ rút ngắn một nửa so với cho vay thông thường. Quá trình làm thủ tục vay vốn, khách hàng sẽ được các cán bộ ngân hàng hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Căn cứ định mức đầu tư, định mức kỹ thuật, ngân hàng sẽ cho khách hàng vay 70% nhu cầu vốn. Đặc biệt, với những trường hợp đầu tư công nghệ cao, có hệ thống tưới tự động, có hệ thống cây che bóng mát, quy trình chăm sóc tiên tiến sẽ được vay tới 80% nhu cầu. Ví dụ: Nếu người dân thực hiện tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi, thì tổng chi phí thực hiện trên 1ha sẽ mất khoảng 163 triệu đồng, ngân hàng sẽ cho vay 110 triệu đồng. Khi được hỏi tính khả thi của các dự án cũng như khả năng thu hồi vốn, lãnh đạo Agribank các địa phương đều lạc quan cho rằng: Đây là chương trình đã thẩm định, tính toán rất khoa học, hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn, nếu làm đúng quy trình và có sự trợ giúp, hỗ trợ từ các cấp các ngành, hiệu quả sử dụng vốn sẽ rất cao, khả năng trả nợ ngân hàng không phải là vấn đề lớn.

Chương trình tín dụng tái canh cây cà phê hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, nơi mà cà phê đang là cây trồng chủ lực, chiếm 90% diện tích và sản lượng cà phê cả nước. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, để chương trình đạt kết quả tốt, trong quá trình triển khai các địa phương cần làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển cà phê, chuẩn bị nguồn giống, xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc, nâng cao công nghệ chế biến, mở rộng mạng lưới tiêu thụ… cũng phải được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.