Người trồng cà phê đối diện với nhiều khó khăn

Cà phê trở thành một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, là hướng thoát nghèo cho các dân tộc vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, người trồng cà phê đang phải đối diện nhiều khó khăn.

images688103_images26644_1_IMG_2411

Hạn hán, diện tích canh tác già cỗi ngày càng tăng khiến sản lượng cà phê niên vụ năm 2012-2013 sụt giảm lớn, ngành cà phê phải đối đầu với nhiều khó khăn.

Theo Bộ NN&PTNT, niên vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam có hơn 600.000ha trồng cà phê, năng suất bình quân khoảng 2,3 tấn/ha, sản lượng xuất khẩu đạt 1.667.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,74 tỷ USD. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk – thủ phủ cà phê của cả nước, hiện toàn tỉnh có 643 công trình thủy lợi lớn nhỏ, có nhiệm vụ tưới tiêu cho trên 25.000ha lúa đông xuân, 39.000ha lúa mùa và 45.000ha cà phê. Hiện nguồn nước chỉ đáp ứng cho hơn 72% diện tích cây trồng trong tỉnh. Tại những vùng có diện tích cà phê lớn như Đắk Song, Tuy Đức, Chư Jút… các công trình thủy lợi mới đáp ứng tưới cho khoảng 20.000ha cà phê. Hơn 56.000ha cà phê còn lại, người dân phải tự chống hạn, lấy nước bằng các biện pháp thủ công.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA cũng cho biết, ngoài đối diện hạn hán, có tới 30% diện tích cà phê của Việt Nam trồng quá 20 năm, cây đang già cỗi, năng suất thấp. Dự kiến, sản lượng thu hoạch cà phê niên vụ 2012-2013 giảm trên 25% so với niên vụ trước, nhiều nơi năng suất giảm 30-35%.

images688114_dien_tich_ca_phe_gia_coi_o_daklak_600x399

Tại hội thảo nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam nhân Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 mới đây, các chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam không sớm thực hiện các biện pháp tái canh thì trong 10 năm tới, diện tích cà phê già cỗi sẽ chiếm 50%. Đáng lưu ý, dù diện tích sản xuất cà phê Việt Nam lớn, nhưng lại phân tán nhỏ, khó đầu tư khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt và chế biến. Mặc dù số lượng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê nhiều song chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu ổn định, đa phần phải xuất khẩu cà phê nhân chưa qua chế biến. Những tồn tại này khiến giá trị ngành cà phê đạt được chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Lương Văn Tự cho biết, niên vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch trên thế giới nhưng kim ngạch chỉ chiếm 10% trong tổng số giá trị thương mại thu được từ ngành này trên toàn cầu. Nguyên nhân chính do khả năng chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê còn hạn chế. Hiện cà phê hòa tan, cà phê rang xay chiếm chưa đến 10% sản lượng cả nước. Ông Tự minh chứng – “khi bán 1kg cà phê nhân, chúng ta thu được khoảng 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở nước ngoài. Trong khi 1kg cà phê có thể pha được 50 ly”. Đây chính là hạn chế khiến giá trị thực tương đương với sản lượng chưa như mong muốn.

images688110_images26638_1_IMG_2516

Ngoài ra, khâu liên kết giữa nông dân và DN còn lỏng lẻo. Mặc dù nông dân đang làm chủ hơn 80% diện tích cà phê nhưng họ lại thiếu thông tin về thị trường, khả năng nhận định, định hướng không có nên thường xuyên bị ép giá và chịu rủi ro khi mất mùa hoặc thất thoát khi được mùa, được giá. Hầu hết lợi nhuận từ trong chuỗi phân phối rơi vào các cơ sở chế biến xuất khẩu, người trồng cà phê chỉ hưởng tỷ lệ nhỏ. Điều đó đã gây bất an đối với nông dân.

Tuy nhiên, để ngành cà phê phát triển ổn định, các DN cần thực hiện liên kết chặt chẽ với nông dân thông qua hợp đồng mua, bán. Cần nâng cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật, hướng tới những giá trị thực ngành cà phê đang đạt được. Đặc biệt, hiện các DN nhập khẩu cà phê trên thế giới đang theo dõi sát tình hình hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên và dự kiến ồ ạt mua cà phê để dự trữ, do đó nông dân không nên nóng vội mà cần nghe ngóng thị trường để bảo đảm giá bán cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong gần hai thập niên qua, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới, đứng đầu về sản lượng cà phê vối. Tuy nhiên, phát triển cà phê Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó việc nâng cao chất lượng, tính bền vững, đặc biệt là giải quyết vấn đề tái canh cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Trao đổi với phóng viên báo GTVT, ông Nguyễn Anh Kết – TGĐ Công ty cổ phần Thanh Hà cho biết: Biết được khó khăn của nông dân, các công ty cung ứng phân bón đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng cà phê, tiêu như hỗ trợ vốn, cung ứng sản phẩm trước, vào mùa thu hoạch mới phải trả tiền… Nhưng, điều quan trọng hơn cả là hỗ trợ người nông dân về kỹ thuật – ông Kết nhấn mạnh. Cụm từ cà tơ, cà già, tái canh được nhiều người biết tới, chính là những giải pháp kỹ thuật hỗ trợ người nông dân ở Tây Nguyên.